Hà Nội : Tầng 3, Số 71 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa - Hotline 091.268.9966
Hà Nội : Số 47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân - Hotline 096868.9966
Hà Nội : Số 3 Lê Trọng Tấn - Thanh Xuân - Hà Nội - Hotline 0912929966
Vinh : 65 Lê Nin, Hà Huy Tập, TP.Vinh - Hotline 0981.487.487
Giờ mở cửa: T2 - CN:
10h30-14h và 17h30-22h

CÁCH NẤU BÁNH ĐA CUA HẢI PHÒNG CHUẨN VỊ

Bánh đa đỏ là một trong những yếu tố làm nên đặc trưng cho món ăn. Bánh đa được chế biến rất công phu từ gạo được phơi thật già nắng ngâm vào nước vài giờ rồi cho vào cối xay nhuyễn, cho nước vừa đủ tạo nên thứ bột sánh mịn, dẻo mềm. Xay xong hòa thêm bột quả gấc chín, thêm chút kẹo đường phèn hay một thứ mật thơm bí truyền để bột có màu nâu sậm. Rồi qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ miết mỏng, hấp chín, sắp kín trên phên tre đem hong nắng, tráng sương thế là một loại bánh đa đỏ đặc trưng vùng quê biển Hải Phòng đã thành hình.
 
Nguyên Liệu Bánh Đa Cua:
 
500g cua đồng
20g gạch cua
500g sườn non
200g thịt nạc vai băm
300g chả cá chiên
300g mỡ gáy
20g hành tím băm, 5g hành tím cắt lát, 5g hành tím để nguyên củ nướng
50g nấm mèo băm
1 ít lá lốt
5g tôm khô
15g mắm tôm
15g nước cốt me
2 trái cà chua
Bánh đa cua
Gia vị bao gồm: hạt nêm, đường, tiêu, nước mắm, dầu ăn, bột canh, bột ngọt
Rau ăn kèm: xà lách, cần nước, tía tô, rau muống, ngò rí, rau nhút. Với cần nước, rau muống, rau nhút, bạn nên luộc sơ qua.
Cách Nấu Bánh Đa Cua Tại Nhà:
Bước 1: Sơ chế cua đồng
 
Cho cua vào nồi, đậy vung rồi xóc cho sạch. Tách bỏ phần yếm và mai cua chỉ lấy phần thân, lấy phần gạch cua ở mai ra để riêng. Cho thân cua vào máy xay nhuyễn (nếu không có máy xay bạn có thể lấy cối giã nát).
 
Thịt cua sau khi đã xay pha với nước (tỷ lệ 1:2), khuấy đều, dùng rây hoặc túi vải thưa lược để tránh phần xác cua rớt xuống gây lợn cợn không ăn được.
 
Bước 2: Nấu nước dùng cua
 
Sau khi đã lọc nước cua xay, bạn đổ vào nồi nêm thêm 5g hạt nêm, khuấy theo chiều kim đồng hồ và đun sôi cho đến khi riêu cua nổi lên mặt nồi thì dùng vợt vớt ra. Bạn để riêng phần riêu và phần nước dùng cua.
 
Bước 3: Nấu nước dùng xương
 
Bạn chần sơ sườn heo qua nước sôi có pha 1 ít muối trong 3 phút để loại bỏ các chất bẩn. Sau đó mang đi rửa sạch, để ráo nước.
 
Bắc một nồi nước lạnh lên bếp (khoảng 3 lít), cho sườn vào cùng với hành tím nướng để nước dùng thơm hơn. Hầm cho đến khi sườn chín mềm, vớt sườn để riêng ra và giữ lại nước dùng. Lưu ý trong quá trình nấu, bạn nhớ thường xuyên vớt bọt.
 
Bước 4: Làm tóp mỡ
 
Mỡ cắt hạt lựu, đem chần sơ qua nước sôi và 1 ít muối cho sạch. Sau đó đem rửa sạch và đem thắng cho vàng, giòn.
 
Bước 5: Cách làm chả lá lốt
 
Cho thịt nạc xay vào tô nêm vào 20g hành tím băm, nấm mèo, 5g đường, 5g tiêu, 5g nước mắm, 5g hạt nêm trộn đều lên để nguyên liệu và gia vị thấm vào nhau.
 
Cho thịt vào giữa lá lốt và cuốn chặt lại.
 
Bắc chảo lên bếp, cho vào 5g dầu ăn, thả cuốn lá lốt vào chiên cho đến khi chín đều.
 
Bước 6: Nấu nước dùng bánh đa cua
 
Bắc chảo lên bếp, cho vào 5g dầu ăn, phi thơm 5g hành tím cắt lát rồi cho gạch cua, cà chua cắt múi cau vào, nêm thêm 5g bột nêm, xào thơm.
 
Bắc nồi lên bếp, cho nước dùng cua, nước dùng sườn đã nấu vào nồi. Để nước dùng bánh đa cua thêm đậm đà, bạn nêm vào nồi 20g đường cát, 25g bột canh, 15g bột ngọt, 5g tôm khô, 15g mắm tôm, 15g nước cốt me cùng với cà chua xào vào đun sôi lên.
 
Bước 7: Trình bày và thưởng thức
 
Bánh đa cua ngâm nước lạnh 3 – 5 phút rồi rửa sạch, để ráo nước khi nào ăn chần qua nước sôi 20 giây rồi cho vào tô. Cho sườn, riêu cua, chả cá chiên cắt lát mỏng, tóp mỡ vào tô, chan nước dùng lên trên và ăn kèm với các loại rau.
 
Món bánh đa cua Hải Phòng ngon, đầu tiên phải có màu sắc hấp dẫn, màu nâu của bánh đa, màu xanh của chả lá lốt và các loại rau cùng sắc đỏ của ớt. Bên cạnh đó, hương vị phải có chút dai dai của chả cá, chả lá lốt, bánh đa; ngọt thanh của nước dùng và béo ngầy ngậy của gạch cua. Như vậy là bạn đã hoàn thành món bánh đa cua Hải Phòng chuẩn vị để chiêu đãi cho các thành viên trong gia đình rồi đấy! Chúc các bạn thành công!
 
SƯU TẦM
 Đặt bàn